banner-page

Phong tục Mâm Quả trong Lễ Hỏi/ Lễ Cưới

Nguồn gốc của phong tục mâm quả trong lễ hỏi, lễ cưới

Từ xưa, người Việt đã có tập tục chuẩn bị mâm quả cho lễ hỏi, lễ cưới của đôi lứa. Tuy nhiên, ông bà ngày xưa gọi nó là tục thách cưới. Theo tập tục, nhà gái sẽ đưa ra các yêu cầu dành cho nhà trai để “thách cưới”. Và để con mình lấy được vợ, thì bắt buộc nhà trai phải chuẩn bị được các yêu cầu này, nếu không thì nhà gái sẽ từ chối gả con gái của họ cho chàng trai. Không hiếm các gia đình nhà trai thời xưa, phải vất vả vay mượn để lo cho đầy đủ các yêu cầu thách cưới của nhà gái, cũng có nhiều gia đình không đủ điều kiện để đáp ứng được yêu cầu, thì đành để con mình lỡ duyên để tìm nơi khác “thách cưới” vừa phải hơn.

Xã hội hiện đại ngày nay, tục “thách cưới” có phần nhẹ nhàng hơn, không khắt khe như ngày trước nữa. Tuy nhiên, để tỏ lòng tôn trọng và thành ý dành cho nhà gái, thì mâm quả ngày càng được chuẩn bị chu đáo hơn, đẹp mắt hơn và giá trị hơn – tuỳ theo khả năng của mỗi gia đình. Hiện nay, gia đình nhà trai và nhà gái cũng thường trao đổi với nhau để thống nhất mâm quả dành cho lễ hỏi, lễ cưới bao gồm những gì cho phù hợp. Nhà gái có thể gợi ý trước các yêu cầu dành cho nhà trai, để phù hợp với phong tục của gia đình, của vùng miền của nhà gái. Hoặc nhà gái có thể để nhà trai tự chọn các loại mâm quả dành cho nhà gái, mà không cần có yêu cầu gì đặc biệt.

Cách lựa chọn số lượng mâm quả cho lễ hỏi, lễ cưới

Tuỳ theo khả năng và mong muốn của mỗi gia đình, mà số lượng mâm quả cho lễ hỏi, lễ cưới của mỗi nhà cũng khác nhau. 

Với các vùng miền Bắc hoặc miền Trung, các gia đình sẽ chọn số lẻ cho mâm quả để chuẩn bị cho nhà gái, có thể 5 quả, 7 quả hoặc 9 quả. Với quan niệm “đi lẻ, về chẵn”, vào ngày hỏi cưới, nhà trai sẽ xuất phát với số mâm quả là số lẻ, người trong gia đình cũng là số lẻ (họ hàng trong gia đình đi có đôi có cặp, riêng Chú rể sẽ đi một mình). Để khi đón dâu từ nhà gái về, thì đoàn nhà trai sẽ về số chẵn, số mâm quả là số chẵn (nhà gái sẽ lại quả cho nhà trai 01 quả riêng), số người về lại nhà trai cũng là số chẵn (Chú rể đón Cô dâu thành 01 đôi).

Với miền Nam, các gia đình sẽ lựa chọn số lượng mâm quả là 4 quả, 6 quả, 8 quả hoặc 10 quả. Các gia đình miền Nam quan niệm, mọi thứ đều có đôi có cặp, nên số lượng mâm quả, cũng như người trong gia đình cũng đều là số chẵn. Phần lại quả cho nhà trai sau lễ hỏi, lễ cưới sẽ là 01 phần các mâm quả mà nhà trai mang sang.

Tuỳ theo phong tục của mỗi gia đình và vùng miền mà các gia đình có thể lựa chọn số lượng mâm quả cho phù hợp. Nhà trai và nhà gái nên thẳng thắn trao đổi để hai bên gia đình tránh hiểu lầm ý nhau, dẫn đến những việc không vui cho hai bên gia đình.

Mâm quả hỏi cưới và mâm xin dâu có khác nhau không?

Thông thường, sẽ có lễ hỏi trước khi diễn ra lễ cưới. Lễ hỏi chủ yếu sẽ diễn ra ở nhà gái. Lễ cưới thì nhà trai sẽ di chuyển sang nhà gái và sau đó đón dâu về lại nhà trai. Vậy nên mâm quả cưới thường được chuẩn bị cho cả lễ hỏi và lễ cưới. Tuy nhiên, với sự bận rộn của xã hội ngày nay, nhiều gia đình cũng muốn giản tiện bớt các nghi lễ để thuận lợi cho hai bên gia đình. thì người ta thường chế (bỏ đi)lễ hỏi ở nhà trai, mà chỉ làm một lần lễ cưới. Khi đó các mâm quả cũng sẽ được chuẩn bị như bình thường; bên cạnh đó, mâm xin dâu sẽ được chuẩn bị riêng. Sau khi nhà trai đã nhập gia ở nhà gái, xong các phần nghi lễ với nhà gái, thì đại diện nhà trai sẽ mang mâm xin dâu vào để trình bày với nhà gái, để xin phép đón dâu về. Mâm xin dâu thường là mâm xôi-con gà, đối với các vùng miền Bắc, với miền Nam thường là áo dài cưới, hoặc váy cưới dành cho Cô dâu. Việc có thêm mâm xin dâu này góp phần bày tỏ thành ý của nhà trai dù đã giản tiện đi lễ hỏi, và nhà gái cùng với Cô dâu vẫn cảm thấy được tôn trọng.

Việc lựa chọn mâm quả cũng chỉ là một phần trong các nghi lễ của hai bên gia đình trong ngày cưới và không quyết định được hạnh phúc của cặp đôi, các gia đình không cần quá nghiêm trọng hoá về hình thức để tránh tạo căng thẳng cho xui gia, và cho cặp đôi trong quá trình chuẩn bị đám cưới.

Mâm quả cho lễ hỏi cưới thường có những gì?

Theo tập tục của người Việt, miếng trầu là đầu câu chuyện, và trầu cau cũng là hình ảnh tượng trưng cho tình nghĩa phu thê-dựa trên tích trầu cau từ xưa. Do đó, trầu cau luôn là vật phẩm đầu tiên mà người Việt lựa chọn. Buồng cau được lựa chọn phải có quả đều nhau và xum xuê, từ 60 đến 100 quả. Các lá trầu cũng chọn các lá có màu xanh tươi, không quá non và kích thước cũng ngang nhau. Các lá trầu sẽ được xếp xoay tròn đều quanh mâm quả và đặt buồng cau lên trên. Với những gia đình mong muốn hình thức cầu kì hơn, thì trầu cau còn được xếp tháp cao cùng với các phụ liệu hoa-lá tươi.

Trà, rượu, thuốc lá, đèn cầy cũng được lựa chọn để làm vật phẩm cho mâm quả. Mỗi loại thường lựa chọn theo dạng cặp, được gói bằng giấy đỏ và gắn nơ cho thêm phần trang trọng. Ngày nay, vì lý do sức khoẻ, nên thuốc lá thường được lược bỏ trong mâm quả.

Truyền thống về bánh phu thê (bánh xu xê) hiện giờ vẫn còn được giữ nguyên. Là loại bánh có lớp bột dẻo dai, trong suốt, nhân đậu xanh mềm mịn. Để nâng cao chất lượng cũng như hương vị của bánh phu thê, người ta còn thêm dừa hoặc sầu riêng vào nhân bánh. Số lượng bánh thường được chuẩn bị là 100 bánh.

Các vật phẩm khác thường được lựa chọn cho mâm quả hỏi cưới có thể là: trái cây, bánh pía, bánh cốm, bánh đậu xanh, xôi gà, heo quay… Tuỳ theo yêu cầu của mỗi gia đình, mà vật phẩm trong mâm quả cũng khác nhau; tuy nhiên sự khác nhau của các loại mâm quả cũng không nhiều.

Mâm trầu cau

Mâm trầu cau được xem là mâm truyền thống trong mâm quả của người Việt. Cau được lựa chọn là những buồng cau có quả xum xuê, có kích thước đồng đều với nhau. Trầu không là những là trầu có màu xanh tươi đẹp mắt, không quá chênh lệch về kích thước của các lá trầu. Tuỳ theo mong muốn của mỗi nhà mà số lượng trầu cau được lựa chọn cho phù hợp, có thể là 60, 80 hoặc 100 quả cau. Dù là số lượng bao nhiêu, thì khi trình bày trong mâm cũng cần chú ý để mâm quả trông bắt mắt và không quá đơn điệu. (Hình ảnh mâm trầu cau đính kèm, với 03 kiểu xếp: lá trầu xoay tròn đều quanh mâm, lá trầu xoắn thành phễu quanh mâm, lá thiên tuế kết hình tim)

Mâm trà, rượu, đèn

Mâm quả hỏi cưới cũng sẽ không thể thiếu đôi trà, đôi rượu và đôi đèn dâng lên tổ tiên, cũng là một cách để thể hiện thành ý của nhà trai đối với nhà gái, mong tổ tiên chứng giám và chúc phúc cho tình cảm của đôi uyên ương. Tuỳ theo khả năng của mỗi nhà mà nên lựa chọn các loại này với chất lượng khác nhau. Rượu có thể là rượu đế loại 1, rượu vang hoặc các loại rượu Tây cao cấp. Các loại trà mà mỗi gia đình có thể cân nhắc để lựa chọn như: trà lài, trà sen, trà olong… Đôi đèn thì tuỳ mỗi nhà mà họ sẽ có quyết định lựa chọn hay là không. Có một số gia đình sẽ không yêu cầu thắp đèn trên bàn gia tiên.

Mâm bánh phu thê (bánh xu xê)

Bánh phu thê, phu thê trong tiếng Hán có nghĩa là vợ chồng, và thường được lựa chọn trong mâm quả truyền thống của người Việt. Là loại bánh có lớp bột dẻo, trong suốt, có chút màu xanh đẹp mắt bởi lá dứa thơm. Phần nhân bên trong với đậu xanh có độ ngọt vừa phải kèm với hương vị sầu riêng mới mẻ. Bánh phu thê cũng có nhiều hình dạng khác nhau; tuy nhiên để tạo cảm giác hài hoà, đẹp mắt, bánh phu thê được đựng trong hộp vuông bằng lá dứa thơm. Là loại bánh mang ý nghĩa cho tình cảm vợ chồng bền chặt, thuỷ chung không bao giờ thay đổi. Vì vậy mà trong mâm quả hỏi cưới, bánh phu thê là một lựa chọn không thể thiếu.

Mâm trái cây

Đặc trưng của miền nhiệt đới, mỗi vùng miền của Việt Nam đều có những loại trái cây đặc trưng riêng. Hỏi cưới cũng là dịp để các gia đình dành những loại trái cây đặc trưng nhất của quê hương mình dành cho nhà gái. Các loại trái cây thường hay được lựa chọn có thể là: nho, dâu tây, hồng giòn… Để tiện lợi cho việc chuẩn bị, thì mâm quả trái cây còn có thể kết hợp từ nhiều loại khác nhau, thông thường là: thanh long, xoài, mãng cầu, nho, táo… Trái cây sẽ được sắp xếp dạng tháp, trang trí thêm với các loại lá hoặc hoa cho thêm phần sinh động.

Mâm xôi gà

Truyền thống người Việt không thể thiếu “mâm xôi con gà”. Xôi thường được chuẩn bị là xôi gấc có màu đỏ như là sự son sắt, thuỷ chung của vợ chồng. Và xôi thường được nén hình tim. Để thêm hương vị, người ta còn phủ thêm một lớp đậu xanh tán mịn với độ ngọt vừa phải. Đi kèm với xôi gấc đỏ là gà luộc hoặc heo quay; bởi người xưa cho rằng tình yêu không chỉ có vị ngọt ngào mà còn cần có chút mặn mòi để tình cảm ngày càng thắt chặt. 

Mâm áo cưới, trang sức cưới

Đối với một số gia đình, họ cũng thường lựa chọn áo dài/váy cưới làm một trong những vật phẩm mang đến cho nhà gái cùng với đó là bộ trang sức cưới. Đặc biệt, đôi bông tai sẽ do chính mẹ chồng đeo cho con dâu mới với ý nghĩa, Cô dâu về nhà chồng không chỉ được gia đình chồng lo lắng cho mặc ấm, mặc đẹp mà còn được yêu thương như là con gái trong gia đình. Gia đình nhà trai có thể lưu ý phần mâm quả này để làm nhà gái vui lòng và an tâm hơn khi gả con về nhà chồng.

Mâm bánh (bánh pía, bánh cốm, bánh đậu xanh, bánh kem)

Một số loại bánh ngọt khác như bánh pía, bánh cốm, bánh đậu xanh, bánh kem… cũng thường hay được lựa chọn để làm vật phẩm cho mâm quả bởi người xưa tin rằng hôn nhân của con cái mình cũng sẽ ngọt ngào như những loại bánh mà gia đình họ lựa chọn làm sính lễ. Gia đình nhà trai có thể khéo léo hỏi trước yêu cầu của nhà gái để chuẩn bị cho phù hợp với từng vùng miền, từng gia đình.

Mâm heo quay

Mâm quả cho lễ hỏi/lễ cưới sẽ được chuẩn bị theo cách thức Trầu – Cau, Trà – Rượu, Mặn-Ngọt. Bởi vậy nên từ xưa, heo quay đã được chọn là một trong những sính lễ không thể thiếu trong ngày đám hỏi/đám cưới. Ngoài ra, việc lựa chọn heo quay làm vật phẩm cho mâm quả còn mang ý nghĩa cầu mong cho đôi trẻ sớm có tin vui, phát tài phát lộc. Khối lượng heo quay sẽ tuỳ thuộc vào yêu cầu của mỗi gia đình, có thể chọn heo quay cỡ lớn (từ 7-10kg) hoặc heo sữa quay (4-5kg). Cũng có những gia đình sẽ chọn một khổ thịt heo quay để tiện lợi hơn trong lúc di chuyển sang nhà gái. Heo quay có thể đi kèm với Xôi gấc đậu xanh hoặc bánh hỏi.

Các loại mâm quả khác

Ngoài những loại vật phẩm mà thông thường được lựa chọn, các gia đình cũng có thể cân nhắc lựa chọn các loại vật phẩm khác cho mâm quả của mình như: chocolate, bánh quế, mật ong, trà phần, bánh bông lan, bánh nướng…

Các loại mâm quả tại Together Decor

Trả lời